Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2024 dự báo kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức… Vì thế, Ngành sẽ tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động.
Số người có việc làm và thu nhập của người lao động tăng
Báo cáo của Bộ LĐTBXH dựa trên số liệu tổng hợp của hơn 47.300 doanh nghiệp, tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) về tình hình tiền lương năm 2023 cho thấy, mức lương của người lao động có tăng lên. Theo đó, năm 2023, mức lương bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Mức lương cao nhất năm 2023 là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Số lao động có việc làm có xu hướng tăng.
Thu nhập của người lao động tăng lên trong năm 2023 cũng được phản ánh qua số liệu thống kê từ báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,0 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng. Riêng trong quý IV/2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý III/2023 và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,1 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,9 triệu đồng/ tháng, khu vực nông thôn là 6,3 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%. Lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 331,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 351,1 nghìn người. Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.Số lao động có việc làm phi chính thức chung năm 2023 chiếm đến 64,9%, dù giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao.
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023, Bộ LĐTBXH cũng nhìn nhận, cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022.
Tiếp tục triển khai các chính sách ổn định thị trường lao động
Theo Bộ LĐTBXH, mặc dù số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững (tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,2 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27%); gần 33,4 triệu lao động có việc làm phi chính thức. Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ LĐTBXH được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhận định, năm 2024 dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức. Vì thế, ngành Lao động sẽ tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động.
Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Đồng thời, Bộ sẽ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa; tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.
Cùng với đó, ngành sẽ đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp. Công tác tạo việc làm bền vững cũng sẽ được thúc đẩy, đặc biệt chú trọng tạo việc làm mới, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.
Ngoài ra, các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước cũng sẽ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ. Song song đó, Bộ LĐTBXH cũng thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đến các khu công nghiệp và lao động vùng biên...